Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Cá neon, cá dạ quang - Neon Tetra

Cá neon hay còn được gọi là cá dạ quang. Cá neon có tên tiếng anh là Neon Tetra, tên khoa học là Cardinal Tetra. Cá neon có nguồn gốc ở Nam Mỹ, loài này được tìm thấy từ sông Orinoco đến phụ lưu Rio Negro của sông Amazon. 


Cá neon là loài cá nhỏ, đặc biệt thân hình cá lấp lánh phát quang và có thể thay đổi theo màu sắc đèn. Cá năng động, hiền lành, rất hợp với bể thủy sinh. Cá neon dễ nuôi nhưng lại khó sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Kích thước cá neon khi thành thục khoảng 3 – 4 cm. Tuổi thọ của chúng khoảng 4 năm nếu nuôi tốt.

Trong tự nhiên, cá dạ quang ưa thích những khu rừng ngập nước, có bóng râm này với những vùng nước chảy chậm hoặc yên lặng. Và không có gì lạ khi tìm thấy chúng thành từng nhóm với số lượng lên đến hàng trăm con. Môi trường sống bản địa của chúng nói chung có nước cực kỳ mềm, có tính axit, thường có độ pH là 5. Chúng sống trong các bãi cạn, chủ yếu ở các tầng nước giữa, nơi chúng ăn giun và động vật giáp xác nhỏ.


Cá neon có rất nhiều loại khác nhau, trong đó bao gồm cá neon xanh, cá neon đỏ (cá neon vua) cá neon cam và cá neon đen. Nổi tiếng và được ưa chuộng là cá neon vua. Chúng là một loài cá hòa bình, tập tính xã hội nên được nuôi theo đàn.

Cá neon là loại cá chủ yếu thích sống ở những môi trường nước sạch, rộng rãi, giàu oxi hòa tan. Nếu chất lượng môi trường nước không đáp ứng được yêu cầu, cá neon thường có màu sắc nhợt nhạt và dễ chết. Cá neon là loại cá ăn tạp và có thể ăn mùn bã thực vật, côn trùng, giáp xác và thức ăn viên loại nhỏ.


Cẩn thận thì khi cá mới mua về có thể thả 2-3 lá bàng khô đã rửa sạch vào thùng nước và ngâm 3-4 ngày cho nước trong thùng ngả màu vàng khá đậm và cứ để nguyên những cái là bàng đó trong thùng chỉ vớt ra khi nó đã quá mục rồi thay vào lá bàng khác. Sau khi cho sống trong đó một thời gian mới cho vào bể chính.

Môi trường đòi hỏi pH nước 5 – 6,5; dH 1 – 5, ánh sáng yếu; nhiệt độ 23 – 26 độ C. Những con trưởng thành sẽ hiển thị màu sắc đẹp nhất khi được cung cấp nước có tính axit rất mềm. 


Sinh sản của cá neon: 

Cá neon khó sinh sản, cá đẻ theo nhóm hay từng cặp, đẻ trứng phân tán, trứng có tính dính, chọn giá thể là cây thủy sinh. Cần tách trứng ra sớm để tránh cá bố mẹ ăn trứng. Giữa các đợt đẻ, nên tách riêng đực và cái, đồng thời có chế độ nuôi vỗ. 

Cá neon sẽ đẻ trứng vào buổi tối, thường đẻ từ 130 đến 500 trứng. Trong tự nhiên cá bố mẹ thích làm tổ nơi có thực vật nổi, ít ánh sáng, có nơi ẩn nấp. Trong sinh sản nhân tạo, nên chọn những bể 20 – 30 lít, cách đáy vài cm căng lưới để cá bố mẹ không ăn trứng, trong bể đặt rong tạo chỗ trú ẩn, phía ngoài bể phải che để giảm ánh sáng. Dùng máy lọc nước công suất nhỏ để loại bớt tinh dịch gây ô nhiễm. Khi cá bố mẹ được tách ra và đã sẵn sàng đẻ vào sáng hôm sau, thì không được cho ăn. Nếu cá vẫn chưa đẻ sau 3 ngày thì cho vào bể khác để nuôi vỗ lại.

Khi đẻ, cá neon đực dùng miệng thúc vào cá cái, bơi ngang trước cá cái và rung rung các vây, sau đó bơi vào các lùm thực vật, khi cá cái bơi theo, cả hai ép sát vào nhau, giữ chặt nhau bằng vây ngực, cá đực gắn mình vào cá cái bằng các móc trên vây hậu môn, cặp cá quay tròn theo trục thân rồi cùng phóng trứng và tinh; trứng rớt xuống đáy hoặc vào lá. Cá neon đẻ 100 – 300 trứng mỗi lần và 4 – 6 lần/vụ. Vì trứng dễ bị bệnh nấm, cần dùng chất chống nấm trong bể đẻ. Cá nở sau 24 – 36 giờ, sau 5 – 6 ngày thì bắt đầu bơi và bắt mồi tự do.



0 comments:

Đăng nhận xét