Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Tôm nước mặn Artemia

Artemia là một chi động vật giáp xác thủy sinh gọi là tôm ngâm nước mặn.  Ấu trùng Artemia dùng làm thức ăn rất tốt cho ấu trùng tôm, cá biển, cá nước ngọt và cá cảnh. Đối với cá cảnh, có thể dùng Artemia trưởng thành còn sống, Artemia đông lạnh hoặc ấu trùng Artemia nở từ trứng bào xác để làm thức ăn. 

Trong tự nhiên, tôm nước mặn Artemia sinh sống ở các hồ nước mặn trong lục địa trên khắp thế giới, trừ các đại dương. Chúng có khả năng tránh sống chung với các loài săn mồi như cá, bởi môi trường chúng sống quá mặn khiến cá không thể sống. Các vùng biển nước ta có độ mặn thấp, vì thế hầu như không tìm thấy sự phân bố tự nhiên của Artemia, kể cả vùng biển Đông Nam Á. Tôm nước mặn Artemia hiện được nuôi trong các đầm muối.

Sử dụng Artemia làm thức ăn cho cá cảnh giúp cá tránh bị nhiễm bệnh, nâng cao tỉ lệ sống và hàm lượng sắc tố (sự lên màu) của cá. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn khi sử dụng Artemia làm thức ăn cho cá nước ngọt vì trong nước ngọt, Artemia sẽ chết sau 3 - 60 phút. Vì vậy, cần chú ý chế độ cho ăn trong nước ngọt, có thể cho ăn theo phương pháp “lượng ít, lần nhiều”, tức cho ăn nhiều lần hơn với lượng thức ăn cho mỗi lần giảm đi.


Tôm nước mặn  Artemia là một động vật chân đốt nguyên thủy.  Artemia trưởng thành có ba mắt và 11 đôi chân và kích thước có thể lên tới khoảng 15 mm (0,6 in). Máu của chúng có chứa các sắc tố hemoglobin, chất này rất có lợi cho sự lên mầu của cá.  

Tôm nước mặn Artemia ăn mùn bã hữu cơ các vi tảo cực nhỏ, vi khuẩn… nguồn thức ăn rất đơn giản và kém đa dạng. Trong điều kiện nuôi Artemia trên ruộng muối, người dân tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho Artemia bằng cách bón phân hoặc cho ăn trực tiếp các loại thức ăn mịn như bột đậu nành, cám gạo…


0 comments:

Đăng nhận xét