Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Cá cao xạ pháo, cá phun nước, cá mang rổ - Common archerfish

Cá cao xạ pháo còn được gọi là cá phun nước, cá mang rổ, cá mè rổ. Cá cao xạ pháo có tên tiếng anh là Common archerfish, tên khoa học là Toxotes chatareus.  Cá thuộc bộ: Perciformes (bộ cá vược), họ: Toxotidae (họ cá mang rỗ). Cá cao xạ pháo có kích thước tối đa khoảng 40 cm, đối với kích thước trung bình của 1 cá thể cá Cao Xạ Pháo rơi vào khoảng 18cm.

Trong tự nhiên, cá Cao Xạ Pháo phân bổ ở nhiều quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Malaysia, Phi-líp-pin, Indonesia, Papua New Guinea và phía bắc nước Úc. Ở Việt Nam, nguồn cá khai thác từ tự nhiên ở khu vực Miền Tây.


Cá cao xạ pháo có khả năng siêu đỉnh là dùng miệng phun nước xa hơn 2 mét để bắn trúng vào con mồi. Lực phun của chúng rất mạnh, luồng nước phun ra mạnh gấp 6 lần so với lực cơ hàm của cá. Khi con mồi dính đạn, chúng sẽ rơi xuống nước và thành bữa ăn cho cá. Đặc biệt chúng có thể tính toán được hiện tượng khúc xạ giữa không khí và nước để có một cú phóng đạn chuẩn xác. Với con mồi tĩnh chúng gần như bắn trúng 100%.

Cá phun nước ngoài khả năng bắn nước thì kỹ năng nhẩy vọt lên đớp mồi của chúng cũng khá tốt. Tốc độ của cá rất nhanh. Nhiều người dân Cần Thơ đã nuôi cá để phục vụ mục đích du lịch. Cá phun nước có thịt ngon ngọt nhưng trọng lượng chỉ khoảng 250g, điều kiện nuôi lại tốn diện tích bề mặt. Vì thế hiệu quả kinh tế không cao.



Trong bể cá cảnh, cá cao xạ pháo là loài cá  khá đẹp với cơ thể màu bạc lấp lánh, cùng các dải màu đen ấn tượng trên thân cá. Chúng hoạt động ở tầng mặt và không quá kén chọn thức ăn. Cá Cao Xạ Pháo hoang dã ăn tạp, thức ăn chủ yếu là động vật giáp xác. Cá Cao Xạ Pháo không bao giờ ăn thức ăn chìm xuống đáy, nên bạn cần chú ý chọn lựa các loại thức ăn nổi trên mặt nước lâu. 

Cá Cao Xạ Pháo bản tính khá hiền lành, dễ chung sống với nhiều loại cá khác. Số lượng cá Cao Xạ Pháo phù hợp nhất từ 4 đến 5 cá thể. Không nên thả cá cùng các loài cá nhỏ, tránh trường hợp “cá lớn nuốt cá bé”.


Khi nuôi cá mang rổ trong bể, nên bố trí một chút cây thủy sinh và thực vật nổi để tạo bóng râm khi cá lên rình mồi. Ngoài ra thành bể phải cao để tránh cá nhẩy vọt. Cá mang rổ có thể sống được cả môi trường nước ngọt đến nước lợ. Ngoài tự nhiên cá sống nơi có độ mặn trung bình 10%. Bể  nuôi cần sục khí và lọc nước thường xuyên. 


 



 

0 comments:

Đăng nhận xét