Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Cá kiếm, cá đuôi kiếm - swordtail

Cá kiếm cảnh là dòng cá nhỏ có nhiều tên gọi khác nhau như cá đuôi kiếm, cá hoàng kim hay cá đốm. Cá kiếm cảnh lần đầu tiên được tìm thấy bởi một nhà động vật học người Áo ở vùng đông nam Mexico. Loài cá này thuộc họ cá khổng tước trong bộ cá chép. Cá kiếm cảnh tuy nhỏ nhưng rất khỏe, dễ chăm, sinh sản tốt và tuổi thọ khá cao. Trong tất cả các loại cá nhỏ dễ nuôi và giữ giống thì cá kiếm đơn là dòng đứng đầu. Ngoài dòng kiếm đơn thì cá kiếm cảnh được lai tạo ra nhiều dòng kiếm đẹp mắt khác như kiếm xanh, cá song kiếm, cá huyết kiếm, cá kiếm koi.

Cá song kiếm

Cá kiếm sống chủ yếu ở các sông, suối. Cá kiếm không đẻ trứng mà đẻ con nên việc nhân giống khá dễ dàng. Cá kiếm con thường hoạt động nhiều ở những vùng nước tĩnh trong khi cá trưởng thành thường tập trung ở những vùng nước sâu và trong.

Cá kiếm đơn

Cá kiếm cảnh đặc biệt có thể chuyển đổi giới tính nếu sinh sống trong điều kiện môi trường nhất định nào đó. Loài cá này có thể sống khoẻ mạnh trong khoảng 5 đến 7 năm nếu chăm sóc thích hợp và dinh dưỡng đầy đủ.

Cá kiếm cái có bụng to tròn và kích cỡ có thể lớn gần gấp đôi cá kiếm đực. Cá kiếm đực nhỏ, với cá kiếm đơn thì có phần đuôi nhọn. Với cá song kiếm thì cả con đực và con cái đều có song đuôi. 

Cá kiếm xanh


Kỹ thuật chăm sóc cá kiếm cảnh
Cá kiếm cảnh có bản tính hiền lành, hoà đồng nên có thể sống tốt với các loài cá khác chung một bể thuỷ sinh. Tuy nhiên chính những con cá kiếm đực lại hay gây sự với nhau để dành cá đực nên chúng ta có thể nuôi cá cái nhiều hơn cá đực cho chúng thoải mái lựa chọn. Cá dễ chăm, không kén thức ăn. Chú ý khi mới thả cá lạ đàn cá có thể nhẩy ra khỏi bể.

Cá kiếm koi

Rêu Christmas – rêu x mas

Rêu Christmas – rêu x mas là loại rêu vừa đẹp lại dễ chăm sóc, tán của chúng tỏa đều ra như cây thông noel vì vậy hay gọi là rêu Xmas. Sức sống của rêu Christmas cũng khá cao , chỉ cần chú ý độ mát của hồ thì rêu có thể mọc rất tốt.



Cây chỉ cần cắt tỉa nhẹ lúc tán ra lưa thưa hoặc  mọc nhiều bị rối. Ánh sáng cần không quá cao , chủ yếu về phần nhiệt cần mát mẻ là rêu có thể phát triên tốt. Tốc độ mọc của rêu cũng tương đối, không quá nhanh , nhưng đó lại là đặc điểm làm giảm công phải tỉa tót.

Rêu có dạng tán xòe như cây thông , các tán cân đối xòe đều. Vì thế vô cùng thích hợp để cột lũa tạo tán cây giả. Hoặc có thể dán lên đá làm bố cục núi cũng rất đẹp. Các khúc lũa và đá buộc rêu Christmas là nơi thích hợp cho tép trú ẩn .



Rêu Christmas không mọc lung tung như Java, nhưng cũng không quá cần chăm sóc cầu kỳ như rêu Weeping và rêu mini taiwan , nhưng cũng mang lại vẻ đẹp lôi cuốn riêng của nó.

Cá sam, cá đuối nước ngọt

Cá sam hay còn được gọi là cá đuối nước ngọt, cá có tên tiếng Anh là “freshwater stingray”. Dân chơi cá cảnh ngại nhắc đến tên cá đuối do kiêng kỵ dùng từ “đuối” sợ rằng sẽ làm cho công việc làm ăn không phát đạt, thăng tiến như ý muốn. Cá sam chủ yếu sống ở tầng đáy và rất dễ nuôi, đặc biệt chúng có cách bơi lội vô cùng uyển chuyển. 



Cá sam cũng bắt nguồn từ lưu vực sông Amazon- nơi có lượng phù sa màu mỡ và hệ động thực vô cùng phong phú. Cá sam là một loài sinh vật rất cổ sơ mà lại sinh sống ở một nơi rậm rạp như vậy nên chúng không có nhiều biến đổi so với thời kì đầu.

Hiện nay có rất nhiều các loại cá sam khác nhau và được phân biệt chủ yếu qua màu sắc và hoa văn. Giá của cá sam có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu/con tùy vào từng loại.

Cá sam cũng là loài tương đối dễ nuôi, khi trưởng thành có thể đạt kích thước 50-60cm nên cần có một chiếc bể nuôi khá lớn. Điều đặc biệt là cá sam có 1 chiếc gai độc nên khi chăm sóc cần lưu ý cẩn trọng.


Cá sam “stingray” có một cái gai nhọn có độc hình răng cưa nằm phía sau đuôi. Đây cũng là vũ khí quan trọng giúp chúng tồn tại và phát triển trong tự nhiên. Nếu không may bị gai đâm phải thì sẽ tạo nên vết rộp lớn và cảm giác cực kì bỏng rát. Muốn điều trị không phải là cho vào nước lạnh mà ngâm vào nước nóng hết sức chịu đựng để trung hòa chất độc. Và cách nhiều người dân Amazon hay dùng là đi tiểu vào vết thương vì nước tiểu vừa nóng, vô trùng lại hơi có tính a-xít.

Kích thước bể cá: Hầu hết cá sam đều lớn rất nhanh và nếu được chăm sóc thích hợp thì chúng sẽ nhanh chóng phát triển đến kích thước mà một hồ nhỏ không thể chứa nổi. Chúng cần hồ có kích thước lớn, thậm chí ngay từ khi mới thả. Tốt nhất bạn nên nuôi riêng cá sam vì nuôi chung với các loài khác có thể gặp rủi ro. Một trong số những loài thường được nuôi chung là cá rồng, nhưng nếu chúng không có kích cỡ phù hợp với cá đuối thì có thể gặp vấn đề.

Cá sam ăn nhiều và thường xuyên bài tiết nhiều chất thải nên chế độ chăm sóc rất quan trọng trong việc giữ nước và bộ lọc không bị tích cặn bẩn. Bạn nên thay nước ít nhất 2 lần mỗi tuần, mỗi lần thay ít nhất 25% nước hồ, bằng nước đã để hả. Thay nhiều hơn nếu hồ nuôi nhiều cá. Cá đuối dễ bị tồn thương nội tạng vì ngộ độc ammonia và nitrate do đó cần theo dõi những thông số này và duy trì chúng ổn định ở mức bằng 0 thông qua việc thay nước và bộ lọc sinh học chất lượng.

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Cá đào tam hoàng - Chaetodon vagabundus

Cá đào tam hoàng là một loài thuộc chi cá bướm, tên khoa học là Chaetodon vagabundus. Chi cá bướm Chaetodon có bề ngoài dẹt như cá đĩa, chúng cũng có nhiều loại khác nhau. Trong đó, cá đào tam hoàng là loài cá cảnh biển khá đẹp và dễ nuôi. 



Cá dễ thuần hóa, chỉ cần một bể nuôi đúng tiêu chuẩn và nguồn nước sạch là chúng đã có thể sinh sống tốt. Chúng rất hiền lành, có thể cho ăn thức ăn đông lạnh, cá nhỏ, tôm, thức ăn vụn nhỏ và thức anh xanh.


Cá đào tam hoàng được phân bố ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Kích thước 20 cm, sống trong môi trường có pH 8,4, độ mặn từ 1.023 - 1.027 và nhiệt độ 24 - 26 độ C. Thức ăn chủ yếu trong tự nhiên của chúng là rong rêu, san hô và động vật thủy sinh.

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Cá mún, cá hột lựu - Platy fish

Cá mún có tên tiếng Anh là Platy fish hay còn gọi là cá hà lan, cá hột lựu, hồng mi. Cá mún là dòng cá dễ nuôi, cùng dòng họ với cá bảy màu và được phân bố trong tự nhiên, chúng được biết đến nhiều nhất ở Mexico và trung Mỹ. Cá mún là dòng cá hiền lành, hiếm khi gây sự với cá khác.



Trong dòng cá mún, cá mún đỏ có hình dạng rất giống với cá đuôi kiếm nên dễ nhầm lẫn. Nhưng so với cá đuôi kiếm thì cá mún có chiều dài ngắn hơn và đặc biệt đuôi của chúng cũng không dài nhọn được như cá đuôi kiếm. Tuổi thọ của cá mún có thể lên tới 3 năm. Cá rất mắn đẻ, 1 năm đẻ từ 2-3 lứa. Mỗi lứa từ 20 đến 50 con.

Mún đỏ

Cá mún có kích thước tương đối bé, chúng rất dễ dàng sinh sống tốt trong những bể cá nhỏ. Cá mún ăn tạp và đặc biệt chúng rất thích ăn những loại rêu trong bể, vì vậy đây cũng là một loài giúp cho bể cá thêm phần sạch và hấp dẫn hơn.

Mún đen

Ở loài này, cá cái và cá đực có những đặc điểm khá giống nhau, chỉ khác nhau ở kích thước. Con đực sẽ có kích thước nhỏ hơn, người dài, còn cá cái bụng tròn to, nhìn ngắn hơn Cá mún có đời sống ngắn, chính vì vậy mà chúng sinh sản cũng rất nhanh.



Cá mún con sau khoảng 4 tháng đã có thể sinh sản. Đặc biệt chúng không hề kén chọn bạn đời chúng sẽ giao phối với những con cá khác cùng giống nòi với mình mà không hề phân biệt màu sắc. Tốc độ sinh sản của chúng phải nói là nhanh, tương đương với cá bẩy mầu. Mỗi năm 2-3 lứa, mỗi lứa 20-50 con.  Muốn kích cá mún đẻ chỉ cần thay đổi môi trường và môi trường yên tĩnh là cá đẻ.

Mún koi

Cá mún có nhiều loại mầu sắc như mún đỏ, mún hạt lựu, mún vàng, mún panda, mún đen, mún koi, mún uyên ương, ..


Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Cá ngựa vằn, cá sọc ngựa - Danio rerio

Cá ngựa vằn cá có tên khoa học là Danio rerio, tên tiếng anh Zebra danio. Cá ngựa vằn còn được gọi với cái tên cá sọc ngựa, cá ngựa vằn thuộc họ cá chép. Cá ngựa vằn có tập tính sống tầng mặt và rất chăm chỉ bơi lội. Cá ngựa vằn là một loài cá cảnh phổ thông dễ mua, dễ nuôi, cá khỏe và ít bệnh. 



Cá sọc ngựa hiện nay được lai tạo có nhiều mầu sắc như:  xanh, vàng, cam, đỏ, xanh lam, hồng, tím. Cá ngựa vằn là loài cá nhỏ, chiều dài 3-5 cm. Cá sọc ngựa có hai loại là cá sọc ngựa thường và cá sọc ngựa cánh tiên ( vây dài ). Tuổi thọ trung bình khoảng của cá sọc ngựa là 2 năm, sống tối đa là 5 năm.


Trong tự nhiên, cá sọc ngựa chủ yếu ăn các loại giáp xác, côn trùng và động vật không xương sống. Trong môi trường bể nuôi, cá cũng khá dễ ăn, chúng có thể ăn cám, thịt, tôm, cơm ... Cá ngựa vằn khi bơi theo đàn rất sinh động.


Cá ngựa vằn đực thường có vây dài và người thon nhỏ hơn cá cái. Các mầu sắc của cá như đỏ, vàng, đen, xanh ... Nhiệt độ thích hợp trong khoảng 26-28 độ C. Cá cái lớn hơn và bụng tròn hơn cá đực, đầu lõm. Cá sọc ngựa đẻ trứng và khoảng thời gian có thể sinh sản là khi được 4 tháng tuổi. 

Cá sọc ngựa với 5 sọc

Cá ngựa vằn là loài đẻ mạnh, 10 ngày là có thể ghép cặp cho cá. Nên ghép cá với tỷ lệ 2 trống 1 mái với nhiệt độ nước khoảng 20-28 độ C. Cá đẻ quanh năm nếu chăm sóc và thời tiết tốt. Cá ngựa vằn đẻ trứng ở đáy bể cá, mỗi lần khoảng 200 trứng. Trứng cá rất nhỏ và thường hay bị cá bố mẹ hoặc các loại cá khác ăn, trứng cá nở sau 2 – 3 ngày. Khi bắt cặp nên vào buổi tối, sáng ra cá sẽ đê. Bể đẻ nên có rổ, tốt nhất là phải có rong, có nền sỏi để cá đẻ trứng không bị ăn mất và khi cá con nở chúng dễ có chỗ trú ẩn. Khi bể có rong, đôi khi không cần chăm thì bẵng đi là chắc chắn sẽ thấy cá con xuất hiện và lớn dần. Muốn tạo thành đàn nhiều thì có thể cho cá con ăn bobo, cung quăng, giáp xác nhỏ ...

Cá sọc ngựa vi dài cánh tiên - Longfin gold

Cá sọc ngựa tím


Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Cá trê hồng vỹ mỏ vịt - Redtail catfish

Cá trê hồng vỹ mỏ vịt còn được gọi là cá trê đuôi đỏ, cá hồng vỹ mỏ vịt, cá hồng vỹ. Cá hồng vỹ mỏ vịt được coi là loài cá trê to và đẹp nhất ở vùng Amazon. Chúng có tên tiếng anh là Redtail catfish, tên khoa học là Phractocephalus hemioliopterus. Những con cá trê hồng vỹ mỏ vịt có thể đạt tới kích cỡ 1,8m và nặng 80kg.

Cá hồng vỹ mỏ vịt

Cá trê hồng vĩ mỏ vịt có dáng bơi nhẹ nhàng, khoan thai, đĩnh đạc. Đặc biệt, khi cá hồng vỹ phát triển toàn diện chúng cũng có thể phát ra các âm thanh từ trong nước tương tự như tiếng mèo con kêu.

Miệng cá hồng vĩ mỏ vịt có 6 cọng râu chia đều cho mỗi bên tỏa ra các hướng. Râu cá đóng vai trò như một máy dò đường. Giúp cá hồng vỹ cảm nhận một cách rõ nét nhất môi trường sống xung quanh.



Cá trê hồng vĩ mỏ vịt là loài háu ăn và lớn nhanh. Chúng thường ăn xác chết ở tầng đáy, khi nuôi cá hồng vỹ làm cảnh thường phải hạn chế khẩu phần ăn của chúng tránh kích cỡ tăng quá nhiều. Thậm chí cho ăn quá nhiều cũng có thể là nguyên nhân khiến cá béo phì, ô nhiễm bể và nhanh chết. Cho ăn cách ngày khi cá con nhưng khi cá lớn lên thì giảm tần suất. Thậm chí cá trưởng thành chỉ cần tối đa một bữa ăn mỗi tuần.

Trong bể nuôi, cá trê hồng vỹ mỏ vịt thích ăn các loại thức ăn tươi sống, tôm, tép, giun cũng như các loài cá có chiều dài cơ thể nhỏ bé. Tuy nhiên, khi cá đói cũng có thể nuốt chửng những con cá khác cùng kích thước và không kén chọn thức ăn.

Đặc biệt, cần tránh cho cá trê hồng vỹ mỏ vịt ăn các loài cá có vây gai ở trên lưng như cá chép, cá chạch. Bởi các giống cá này rất khỏe, khi bị nuốt sống, vây và gai trên lưng cá có thể khiến dạ dày cá hồng vỹ mỏ vịt bị tổn thương.



Cá trê hồng vỹ mỏ vịt tương đối nhút nhát nên chúng hoạt động nhiều nhất vào buổi chiều và đêm tối. Cá thường di chuyển thành từng đàn dưới đáy hồ thủy sinh để kiếm ăn cũng như tránh kẻ thù. Tuyệt đối không chiếu ánh đèn trực tiếp vào cá hồng vỹ bởi có thể khiến cá bị giật mình và hoảng loạn, bơi lung tung và đập vào thành bể. Khi vớt cá ra khỏi bể, sợ hãi khiến màu sắc trên thân cá sẽ bị nhạt dần. Sau khi thả lại vào bể màu sắc cơ thể chúng sẽ trở lại bình thường.

Với cá hồng vỹ mỏ vịt non thích những nơi ẩn náu dưới dạng gỗ lầy, rễ và cành nhánh, đống đá hoặc đoạn ống nhựa có độ dài của lỗ khoan thích hợp. Môi trường thích hợp cho cá phát triển là nhiệt độ từ 21-26 ° C, pH : 6,0-7,5, độ cứng : 2-12 ° H. Gặp nước quá lạnh cá có thể chết hoặc không phát triển.







Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Các loại cá chọi, cá betta - Fighting fish

Cá chọi còn được gọi là cá betta, cá đá, cá xiêm. Cá chọi có tên tiếng anh là Fighting fish. Cá betta là dòng cá nhỏ với bộ vây và đuôi siêu đẹp, tính cách máu lửa. Vẻ đẹp của cá betta được lột tả hết khi chúng xừng lên khi lâm trận hoặc bị kích thích. Cá đá là loài dễ nuôi và chăm sóc. Sau đây là một số dòng cá betta.

1. Cá chọi Haftmoon betta

Cá Haftmoon betta là dòng cá chọi rất phổ biến, rất dễ nhận dạng khi chúng bành đuôi lên như chữ D. Đuôi cá chọi halfmoon được định nghĩa là đuôi có góc xòe = 180 độ. Mặc dù đẹp nhưng dòng này thường cắn đuôi khi đụng độ với nhau. Cá chọi Haftmoon chỉ xừng vây đuôi đẹp nhất trong khoảng 2-3 tháng nếu nuôi tốt. Khi chúng bắt đầu già yếu thì sẽ không thể giữ bộ đuôi căng đẹp được nữa.

Cá Haftmoon betta

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Cá bẩy màu, cá khổng tước, cá guppy

Cá bảy màu có tên tiếng anh là guppy, tên khoa học là Poecilia reticulata. Cá còn biết đến với nhiều tên gọi khác là cá khổng tước, cá đuôi quạt, triệu ngư , cá hà lan… Cá bẩy màu rất đa dạng màu sắc với nhiều dạng đuôi khác nhau như đuôi xoè quạt, đuôi tam giác, đuôi kiếm,…Cá bảy màu có màu sắc đẹp nhất khi đã trưởng thành, cá mái to nhưng xấu và có màu tối hơn so với cá trống. 

Blue Grass Guppy

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Cá tứ vân, cá xê can - Tiger barb fish

Cá tứ vân hay còn được gọi với cá tên cá xê can. Cá có tên tiếng anh là Tiger barb fish, tên khoa học là Puntius tetrazona. Cá xê can là một loài cá nhỏ khỏe, dễ nuôi, dễ chăm sóc và hiếu động. Cá có thể nuôi trong bể thủy sinh theo đàn khoảng 6 con. 

Cá tứ vân hiện nay được lai tạo với cả dạng vây dài và có nhiều màu sắc như: bạc, vàng nâu, xanh, đỏ, hồng. Điểm đặc trưng nhất của loài là có 4 sọc đứng (tứ vân), phổ biến là sọc màu đen, gốc vi và mũi màu đỏ. Tuy là giống cá nhỏ nhưng tuổi thọ của cá tứ vân khá cao có thể lên tới 6 năm, cá trong tự nhiên có thể đạt kích thước tố đa 7cm. Cá tứ vân có nguồn gốc Đông Nam Á.


Nuôi và chăm sóc cá tứ vân

Cá tứ vân là loài ăn tạp, cá ăn được rất nhiều loại thức ăn dành cho cá cảnh. Khi nuôi cá Tứ vân nên đa dạng loại thức ăn để cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, cá sẽ khỏe và có màu sắc, hoa văn đặc trưng, sặc sỡ hơn. Cá Tứ vân là dòng cá sống bầy đàn rất hiếu động hay ăn hiếp những loài cá nhỏ hơn chúng. Cá sống khỏe và có thói quen xấu là rỉa vây cá khác. Cần tránh nuôi chung cá tứ vân cùng các loại cá có tốc độ chậm vây dài như cá vàng, cá betta, cá bẩy mầu, cá ông tiên.... Có thể nuôi cá tứ vân với các loài cá nhỏ có tốc độ bơi nhanh nhẹn như cá kiếm, cá mún, cá sọc ngựa, cá bình tích, cá phượng hoàng, cá hắc quần ...

Cá tứ vân vây dài

Cá tứ vân cá cái thường to hơn cá đực cùng lứa tuổi. Cá cái có bụng tròn hơn, vây lưng màu đen, vây bụng màu đỏ nhạt bình thường trong khi cá đực có mũi màu đỏ sáng, sặc sở hơn bình thường, vây lưng có một đường đỏ sáng.



Cá tứ vân sinh sản

Cá tứ vân đẻ trứng, mỗi lần đẻ 200-700 trứng, cá thường đẻ vào cây thủy sinh. Thời điểm cá đẻ thường là buổi sáng khi nhiệt độ nước mát mẻ. Cũng có thể kích đẻ cho cá bằng cách giữ và hạ nhiệt độ nước mát mẻ dưới 25 độ C. Tuy vậy cá tứ vân lại có thói quen ăn trứng, vì thế cần tách cá bố mẹ sau khi chúng đã thực hiện xong nhiệm vụ. Cá sinh sản xong sẽ không còn thói quen vờn đuổi nhau. Sau 2 tuần có thể cho cá bố mẹ tái sinh sản lứa mới.


Khi tách cá bố mẹ ra nên nâng dần nhiệt độ nước lên 26 – 28 độ C, trứng sẽ nở trong vòng 48 giờ. Cá mới nở có cơ thể trong suốt, chỉ thấy 2 mắt là 2 chấm đen. Không cho cá con ăn cho đến khi chúng bơi lội tự do, thường khoảng 3 – 5 ngày sau khi nở.

Khi cá tứ vân con bắt đầu bơi lội tự do, chúng sẽ tìm kiếm thức ăn, cần phải cho ăn ngay. Lúc này cá cũng ăn được nhiều loại thức ăn vừa với cỡ miệng của chúng: bột đậu nành, artemia (giai đoạn nhỏ), bột trứng đã chế biến, động vật giáp xác, côn trùng nhỏ. Sau đó có thể cho ăn các loại động vật thủy sinh lớn hơn, cở con mồi lớn dần theo cỡ miệng của cá. Khi cá tứ vân con được 1,5 – 2 cm chiều dài (3 – 4 tuần tuổi trở đi) có thể ăn như cá trưởng thành, tức ăn được nhiều loại thức ăn.




Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Cá la hán - Flower Horn fish

Cá La Hán có cái đầu đặc trưng, cá có tên gọi tiếng anh là Flower Horn. Cá la hán được yêu thích do có hình dáng đẹp, mạnh mẽ, khỏe khoắn và màu sắc sặc sỡ. Cá la hán được lai tạo từ nhiều dòng cá họ rô phi. Chúng có tuổi thọ khá cao, có thể trên 10 năm và rất khỏe.


Cá la hán trưởng thành có khá nhiều điểm đặc biệt được thừa hưởng bởi cá cha và cá mẹ đặc biệt là màu sắc lấp lánh trên thân không con nào giống con nào cả. Chúng có đuôi xòe đẹp và vây thường kéo dài, mắt không to, hai mang ngắn. Cá La Hán trưởng thành có kích thước từ 25 cm hoặc 30 cm tùy loài. 



Cá la hán là dòng cá dễ nuôi vì cá rất mạnh khỏe, ít bệnh lại ăn tạp, chủ yếu những thức ăn sống như tôm tép, ốc, cá con và thịt bò băm nhuyễn . Thức ăn sẽ ảnh hưởng đến mầu sắc và độ lớn của đầu cá. Là dòng cá khỏe, cá La Hán còn khá hiếu động và tò mò.Chúng bơi lội nhiều trong hồ và cũng thích phá phách những vật làm cảnh như đá, cây thủy sinh. Vì thế hồ nuôi cá La Hán thường là hồ trơn.



Tiêu chuẩn chung để đánh giá một chú cá La Hán đẹp là thân mình phải nhiều "châu" tức là những vảy cá óng ánh, màu sắc sặc sỡ và cái đầu phải có cái gù càng to thì càng có giá trị. Sở dĩ một chú cá La Hán đạt tiêu chuẩn lại có giá cao vì mặc dù chúng sinh sản khá dễ, nhưng số cá trưởng thành có màu sắc đẹp và đầu gù to thường chiếm tỷ lệ khá thấp trong đàn cá, từ 10% đến 30% cho dù cá cha và cá mẹ đều đẹp. Cá La Hán đực mới có mầu sắc đẹp, 100 chú cá la hán mới chọn ra được 1 chú đẹp.



Cá La Hán được lai tạo ra có hơn 60 loài nhưng những loài sau đây được ưa thích và nuôi nhiều là: Cá la hán kim cương, cá la hán thái đỏ, cá la hán King Kamfa (giống ngoại nhập và đắt nhất trong các loại hiện nay). Cá la hán king lai (Thường được lai giữa King Kamfa mái và Kim cương trống)


Cá La Hán sinh sản dễ dàng sau một năm tuổi khi cá đã trưởng thành, và được cho sinh sản nhân tạo trong hồ kính. Người nuôi cá sẽ chọn ra hai cá thể cá trống và mái. Thường thì cá trống phải to, màu sắc tươi đẹp sức khỏe tốt, tiêu chuẩn sức khỏe để chọn cá mái cũng tương tự nhưng thường cá mái chọn giao phối phải nhỏ hơn. Hai con cá được thả vào hồ kính, sau đó được ngăn riêng ra bằng một tấm kính trong suốt, chờ cho đến khi cả hai bớt hung hăng với nhau và bắt đầu có cử chỉ mời gọi quấn quýt thì người ta lấy tấm kính ra. Hai con cá sẽ quần ổ và dọn sạch giá thể (thường là những hòn sỏi hoặc viên gạch tàu đặt sẵn dưới đáy hồ) và tiến hành đẻ trứng lên đó.



Bắt đầu quá trình đẻ trứng, ống sinh dục của cá mái sẽ lú ra và dán trứng lên giá thể, dán đến đâu cá trống sẽ bơi theo tưới tinh lên đó. Sau hai giờ đồng hồ thì cá đẻ xong, thường thì người ta vớt riêng hai con cá cha mẹ ra hoặc tách riêng giá trứng ra hồ khác để ấp trứng vì sợ hai con cá sẽ cắn nhau để giành ổ. Cá bột sẽ nở sau 48 giờ và được nuôi bằng thức ăn vi sinh hoặc bo bo nhỏ.